Thứ Năm, 19 tháng 9, 2013

Thời điểm này ở miền Bắc được coi là mùa của nhiều loại bệnh dịch, trong đó có quai bị. Thực tế, số bệnh nhân quai bị vào điều trị tại BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương khoảng hơn 1 tháng nay khá đông và điều đặc biệt là đa số bệnh nhân là người lớn.



Một bệnh nhân quai bị biến chứng điều trị tại BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương

Quai bị là một bệnh truyền nhiễm cấp tính, dễ lây lan thành dịch. Bệnh thường gặp vào mùa xuân, do virus paramyxovirus gây ra, lây truyền qua đường hô hấp và lây từ người bệnh sang người lành. Trước nay, bệnh chủ yếu xảy ra ở lứa tuổi thanh thiếu niên và trẻ nhỏ nhưng điểm đáng chú ý là tại BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương từ đầu năm đến nay, đa phần bệnh nhân quai bị là người lớn, trong đó tỷ lệ nam thanh niên bị quai bị chiếm tới 70% và hầu hết nhập viện trong tình trạng nặng, đã có biến chứng viêm não, viêm tụy cấp…

TS. Nguyễn Văn Kính, Giám đốc BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết, mỗi tháng BV thường phải cấp cứu cho khoảng gần chục bệnh nhân bị viêm não, viêm phổi, viêm tụy… nặng do biến chứng của quai bị. Điển hình như trường hợp bệnh nhân Nguyễn Văn H., 30 tuổi (Hà Nội) tự nhiên thấy người mệt mỏi, ăn kém, sau đó đau bụng dữ dội, buồn nôn, huyết áp tụt. Tưởng bệnh ngoại khoa gia đình đưa đi cấp cứu, sau đó được chuyển tới BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương với chẩn đoán viêm tụy cấp do quai bị biến chứng. Việc điều trị cho các ca này rất phức tạp, khó khăn, thường phải sau 1 tháng bệnh nhân mới ổn định. Hơn nữa, với người lớn bị quai bị cần phải theo dõi các biến chứng sau 5 năm.

Bác sĩ Nguyễn Hồng Hà, Phó Giám đốc BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết thêm, có những bệnh nhân quai bị nặng vào viện đã có biến chứng viêm tinh hoàn, viêm não, tổn thương tụy dẫn đến đái tháo đường… Thực tế, việc phát hiện quai bị không quá khó khăn do biểu hiện của bệnh rất đặc trưng như sưng 2 bên mang tai, đau đầu dữ dội, kèm theo các triệu chứng sốt, chán ăn, khó nuốt, khó nói, chỗ sưng ở 2 bên mang tai lan dần ra vùng trước tai, dưới hàm. Nhìn chung, bệnh có diễn biến lành tính, các triệu chứng thoái lui trong vòng khoảng 10 ngày và không để lại di chứng gì, tuy nhiên với bệnh nhân lớn tuổi thường cường độ các triệu chứng toàn thân (sốt, đau đầu…) cao hơn, các biến chứng hay gặp và nguy hiểm hơn. Đặc biệt, bệnh gây ra biến chứng vô sinh với tỷ lệ rất cao do thường xuất hiện biến chứng viêm tinh hoàn và mào tinh hoàn (tỷ lệ 20-35%), khoảng 50% trong số này tinh hoàn teo dần, tinh binh giảm và vô sinh. Ngay cả với phụ nữ bị quai bị biến chứng ở tuổi dậy thì, tỷ lệ chịu hậu quả vô sinh cũng rất cao do gặp biến chứng viêm buồng trứng…

Để phòng bệnh quai bị, tiêm vaccine vẫn là biện pháp hiệu quả nhất. Tuy nhiên, những năm gần đây số bệnh nhân bị quai bị có chiều hướng tăng trở lại dù chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia đã được triển khai rất hiệu quả trong những năm qua, nguyên nhân là do bệnh nhân tiêm không đúng, không đủ liều, hơn nữa vaccine chỉ có hiệu lực trong một thời hạn nhất định nên người bệnh cần phải đi tiêm nhắc lại. Biện pháp điều trị quai bị duy nhất là dùng thuốc hạ nhiệt, thuốc giảm đau khi đau nhiều và thuốc chống viêm. Bác sĩ Nguyễn Hồng Hà khuyến cáo, khi có triệu chứng của bệnh quai bị như khó ăn, nhai và nuốt gây đau thì bệnh nhân nên ăn thức ăn lỏng, giữ vệ sinh răng miệng, khi có biểu hiện biến chứng cần đến ngay cơ sở y tế để thăm khám, điều trị.  

0 nhận xét :

Đăng nhận xét

Design by Hao Tran -