Hiện nay, Hà Nội và một số tỉnh phía Nam đang có nhiều người mắc quai bị. Đây là một bệnh lành tính nhưng có nhiều biến chứng nguy hiểm: Đàn ông có thể vô sinh, phụ nữ mang thai trong 3 tháng đầu có thể bị sảy thai hoặc sinh con dị dạng...
Không chừa tuổi nào
Theo bác sĩ Nguyễn Thị Bình, Bệnh viện Xanh pôn, Hà
Nội, quai bị là một bệnh lây qua đường hô hấp do siêu vi thuộc họ
Paramyxoviridae gây ra. Qua nghiên cứu, những người đã tiêm phòng quai
bị thì ít bị lây nhiễm và nếu mắc cũng sẽ nhẹ hơn so với người chưa tiêm
phòng. Tuy nhiên, tiêm phòng sau nhiều năm phải tiêm nhắc lại thì mới
tránh được.
Quai bị chủ yếu lây qua đường hô hấp do nước bọt bị
nhiễm trùng khi người bệnh nói chuyện, ho hoặc hắt hơi, uống chung cốc.
Sự lây nhiễm sang người khác có thể xảy ra 1 tuần trước khi người bệnh
bị sưng tuyến mang tai và kéo dài 2 tuần sau khi bị sưng tuyến mang tai.
Bệnh có khả năng lây từ 7 ngày trước khi xuất hiện các triệu chứng đầu
tiên và 7 ngày sau khi hết triệu chứng. Vì biểu hiện lâm sàng rất khó
nhận biết, nên người bệnh dễ lây cho người khác trong thời gian này.
Theo tiến sĩ, bác sĩ Đoàn Minh Tuấn, Trưởng khoa Hô
hấp Bệnh viện Nhi TW, khi bị lây nhiễm, người bệnh sẽ có thời gian ủ
bệnh trong vòng một tháng. Thời gian này, người bệnh không có biểu hiện
gì rõ rệt, sau đó có biểu hiện sốt nhẹ, đau cổ họng, người mệt mỏi, chán
ăn, tuyến mang tai to và đau nhức ở một bên, lan dần sang tuyến mang
tai bên kia và sưng to đến khoảng 9 ngày thì bắt đầu giảm.
“Biểu hiện của bệnh là sưng vùng má, dưới hàm, các
hạch vùng cổ có thể nổi lên, có khi lan đến ngực gây phù trước xương ức.
Da của tuyến mang tai thường đỏ, không nóng và ấn vào có cảm giác đàn
hồi. Trong thời gian này, người bệnh gặp khó khăn trong khi nói và ăn
uống. Sau khi bớt sưng, không có nghĩa là hoàn toàn khỏi bệnh, thời gian
này vẫn có thể truyền bệnh cho người khác trong vòng 7 đến10 ngày” -
bác sĩ Bình cho biết.
Lứa tuổi nào cũng có thể bị mắc bệnh quai bị. (Ảnh minh họa)
Người lớn mắc bệnh dễ bị biến chứng
“Bệnh quai bị có diễn biến lành tính, các triệu chứng
sẽ đẩy lùi trong vòng khoảng 10 ngày và không để lại di chứng gì. Nhưng
đối với bệnh nhân lớn tuổi thường dễ gặp nhiều biến chứng hơn”- bác sĩ
Bình cho biết. Ngoài biến chứng gây vô sinh, quai bị còn có nhiều biến
chứng khác nguy hiểm không kém.
Biến chứng dễ gặp là viêm tinh hoàn, biểu hiện là
tinh hoàn sưng và đau sau tinh hoàn teo dần và có thể dẫn đến tình trạng
giảm số lượng tinh trùng, ảnh hưởng đến việc sinh con. Biến chứng thứ
hai là nhồi máu phổi có thể xảy ra sau viêm tinh hoàn do quai bị, vì hậu
quả của huyết khối từ tĩnh mạch tiền liệt tuyến. Với biến chứng ở nữ,
sẽ có nguy cơ viêm buồng trứng. Biến chứng thứ 3 là viêm tụy (tỷ lệ
3%-7%), là một biểu hiện nặng của quai bị. Bệnh nhân bị đau bụng nhiều,
ói, có khi tụt huyết áp.
Ngoài ra, quai bị còn gây những tổn thương khác như
viêm não, tổn thương thần kinh sọ não dẫn đến điếc, mù, viêm tuỷ sống,
viêm đa rễ thần kinh. Nếu phụ nữ bị quai bị trong thời gian 3 tháng đầu
của thai kỳ có thể gây sảy thai hoặc sinh con dị dạng, nếu bị trong 3
tháng cuối của thai kỳ có thể sinh non hoặc thai chết lưu.
Phòng và điều trị
Theo bác sĩ Đoàn Minh Tuấn, những người có triệu
chứng bị quai bị nên đến các cơ sở y tế khám để biết mình có bị quai bị
thật hay không. Thường người bị quai bị cần được nghỉ ngơi hoàn toàn và
điều trị triệu chứng như uống thuốc giảm đau, chống viêm và hạ sốt, bệnh
sẽ tự khỏi.
Bệnh có thể được phòng ngừa bằng vaccine. Để tránh
cho trẻ bị tiêm nhiều mũi vaccine, hiện đã có loại vaccine kết hợp
chống 3 bệnh: Sởi, quai bị, rubella. Người lớn có thể tiêm nhắc lại khi
thời gian tiêm phòng đã quá lâu.
Theo bác sĩ Bình, trong thời gian dịch phát triển,
mọi người nên thường xuyên rửa tay với xà phòng, đảm bảo vệ sinh cá nhân
hằng ngày. Làm sạch đường hô hấp bằng cách xúc miệng với dung dịch nước
muối hoặc các dung dịch sát khuẩn đường mũi họng. Hạn chế tiếp xúc với
người bệnh, hạn chế tới những nơi tập trung đông người, ăn cơm bụi và
uống nước vỉa hè. Giữ gìn bằng cách ăn uống đủ chất, tập luyện hợp lý.
0 nhận xét :
Đăng nhận xét