Bệnh Quai bị là bệnh gì?
Bệnh quai bị là một bệnh truyền nhiễm cấp tính, do một loại siêu vi thuộc họ Paramyxoviridae gây ra. Biểu hiện chủ yếu của bệnh là sốt và sưng, đau một hoặc nhiều tuyến nước bọt. Thường gặp ở tuyến nước bọt mang tai, đôi khi có thể viêm ở tuyến nước bọt dưới lưỡi hoặc tuyến dưới hàm trên.
Bệnh thường xảy ra trong lứa tuổi nào và có khả năng gây
thành dịch hay không?
Hơn 80% bệnh xảy ra ở trẻ em dưới 15 tuổi, thường gặp
nhất là trẻ từ 6 - 10 tuổi. Người lớn cũng có thể bị mắc bệnh nếu không tiêm
ngừa phòng bệnh trước đó. Khảo sát huyết thanh cho thấy gần 90% người lớn có
phản ứng huyết thanh xác định đã bị nhiễm siêu vi quai bị từ trước.
Bệnh quai bị thường xảy ra vào mùa thu, mùa đông khi thời
tiết bắt đầu chuyển lạnh, và bệnh gia tăng theo mùa. Dịch bệnh thường xuất hiện
ở những nơi tập trung đông đúc như trường học, ký túc xá v.v… Bệnh lây lan chủ
yếu qua đường hô hấp do nước bọt bị nhiễm trùng khi người bệnh nói chuyện, ho
hoặc hắt hơi. Nước bọt của người bị bệnh quai bị có thể lây lan cho người khác 1
tuần trước khi sưng tuyến mang tai và kéo dài 2 tuần sau khi thấy sưng tuyến
mang tai. Thời gian lây mạnh nhất vào khoảng 2 ngày trước khi viêm tuyến mang
tai.
Làm sao để phát hiện bệnh?
Khi bị lây nhiễm, người bệnh sẽ có thời gian ủ bệnh trong
vòng 2-3 tuần, thông thường vào khoảng 17-18 ngày, trong thời gian này người
bệnh không có biểu hiện gì rõ rệt. Sau đó người bệnh có biểu hiện sốt nhẹ 38-39oC,
đau cổ họng, người mệt mỏi, chán ăn, tuyến mang tai to dần và đau nhức.
Tuyến mang tai sưng to kèm đau nhức ở một bên, lan dần
sang tuyến mang tai bên kia và sưng to đến khoảng 1 tuần thì từ từ nhỏ lại. Mặt
da của tuyến mang tai thường đỏ, không nóng và ấn vào có cảm giác đàn hồi. Người
bệnh cảm thấy khó nuốt và đặc biệt rất đau đớn khi nhai thức ăn hoặc uống các
loại nước trái cây có vị chua như nước cam, nước chanh. Đây là dấu hiệu rất có
giá trị để phát hiện những bệnh quai bị trong những thể không điển hình.
Bệnh dễ có biến chứng nguy hiểm không?
Tuy tỷ lệ tử vong do quai bị rất thấp (1/10000 trường hợp
mắc) nhưng quai bị cũng có thể xảy ra một số biến chứng. Biến chứng thường gặp:
Đầu tiên là viêm não - màng não. Đây là biến chứng thường
gặp ở trẻ em với tỷ lệ 25%, xảy ra vào ngày thứ 3-10 sau khi viêm tuyến mang tai
với các triệu chứng sốt cao, nhức đầu, ói mửa, đôi khi có co giật, một số trường
hợp có biểu hiện liệt giống sốt bại liệt. Tuy nhiên, diễn tiến của viêm não-màng
não quai bị thường lành tính, ít để lại di chứng sau khi hết bệnh.
Thứ hai là viêm tinh hoàn. Biến chứng này hiếm gặp ở các
trẻ em nhỏ trước tuổi dậy thì hoặc người lớn trên 50 tuổi, khoảng 20-30% các
trường hợp gặp ở trẻ em trai trong tuổi dậy thì. Viêm tinh hoàn xuất hiện trong
khoảng 7-10 ngày sau khi sưng tuyến mang tai. Phần lớn viêm tinh hoàn chỉ xảy ra
ở một bên với biểu hiện sốt cao, lạnh run, nôn ói, đau bụng, dịch hoàn sưng to
và đau nhức. Tình trạng này kéo dài khoảng 3-7 ngày thì giảm bớt, khoảng 30% có
thể đưa đến teo tinh hoàn nhưng tỷ lệ gây vô sinh chỉ khoảng 13% mà thôi.
Ngoài ra, một số biến chứng khác hiếm gặp khác như viêm
tụy cấp có thể tạo thành các nang giả ở tụy tạng; viêm buồng trứng với biểu hiện
đau bụng, rong kinh và thường khó phát hiện hơn viêm tinh hoàn ở nam; đối với
phụ nữ mang thai mắc bệnh quai bị, có thể gây sẩy thai nếu nhiễm trong ba tháng
đầu của thai kỳ, sinh non hoặc thai chết lưu nếu nhiễm trong ba tháng cuối của
thai kỳ.
Người bệnh cần phải được điều trị và chăm sóc như thế
nào?
Người bệnh nên đến cơ sở y tế để được khám và điều trị
đúng cách. Với trường hợp viêm tuyến mang tai không biến chứng thì nên nằm nghỉ
nhiều, trẻ còn đi học nên cho nghỉ học. Đắp ấm vùng tuyến mang tai, chăm sóc
răng miệng, ăn thức ăn lỏng, dễ tiêu và nhiều chất dinh dưỡng để tăng sức đề
kháng cho cơ thể. Trong trường hợp có biến chứng viêm tinh hoàn thì nên mặc quần
lót nâng dịch hoàn để giảm đau nhức. Chú ý vệ sinh cá nhân và tẩy uế các chất
dịch tiết của người bệnh. Một điều khác nữa là cần tránh bôi hoặc đắp những thứ
thuốc dân gian như vôi, trầu nhai… ở tuyến mang tai để tránh tình trạng nhiễm
độc.
Chích ngừa quai bị có phòng ngừa được bệnh và chích lúc
nào là tốt nhất?
Hiện nay bệnh quai bị chưa có thuốc điều trị đặc hiệu
nhưng bệnh có thể phòng ngừa được nhờ vào vaccin chủng ngừa. Thuốc chủng này có
thể dùng cho bất cứ lứa tuổi nào trên 1 tuổi, đặc biệt là thanh thiếu niên trước
tuổi dậy thì. Vaccin chủng ngừa này an toàn, không gây sốt, khả năng bảo vệ cao.
Hơn 95% trường hợp đã tiêm chủng được miễn dịch kéo dài rất lâu, có thể suốt đời
và thuốc có thể sử dụng cùng lúc với các vaccin khác như sởi, sốt bại liệt v.v…
Làm cách nào để ngăn chận bùng phát thành dịch?
Điều trước tiên là người bệnh phải ở nhà, không đi làm,
không đi học, hạn chế tiếp xúc với người bệnh, khi tiếp xúc phải mang khẩu trang.
Thời gian cách ly người bệnh trong khoảng 10 ngày kể từ khi bắt đầu sưng tuyến
mang tai. Ở trường học, khi phát hiện trẻ mắc bệnh quai bị thì cần cho nghỉ học
ngay để tránh lây cho học sinh khác.
Trong thời gian dịch phát triển mọi người nên thường
xuyên rửa tay với xà phòng, đảm bảo vệ sinh cá nhân hằng ngày. Làm sạch đường hô
hấp bằng cách súc miệng với dung dịch nước muối hoặc các dung dịch sát khuẩn
đường mũi họng có bán tại các hiệu thuốc tây. Hạn chế tiếp xúc với người bệnh.
Hạn chế tới những nơi tập trung đông người, đặc biệt tại các phòng chật hẹp nơi
đang có dịch. Tăng cường sức khỏe bằng ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng, tập luyện
thể dục và nghỉ ngơi hợp lý. Cần đến khám tại các cơ sở y tế ngay khi có biểu
hiện bệnh.
0 nhận xét :
Đăng nhận xét