Thứ Sáu, 13 tháng 9, 2013

Bệnh Quai bị do một loại vi rút có tên là Paramyxovirus gây nên. Là một bệnh truyền nhiễm cấp tính, lây trực tiếp qua đường hô hấp, hay gây thành dịch ở trẻ em và thanh thiếu niên. Biểu hiện hay gặp của bệnh là sưng đau tuyến nước bọt mang tai, ngoài ra còn gây viêm tuyến sinh dục, viêm màng não, viêm tuỵ và một số cơ quan khác...

 Bệnh quai bị nói chung lành tính, tự khỏi và thường gây miễn dịch bền vững. Bệnh thường xảy ra vào mùa đông xuân, tuy nhiên bệnh có thể xảy ra quanh năm kể cả mùa hè thu. Hay gặp ở trẻ từ 3-14 tuổi (chủ yếu từ 5-9 tuổi) và thanh niên từ 18-20 tuổi, nam nhiều hơn nữ, hiếm gặp ở trẻ dưới 2 tuổi và rất ít gặp ở người già.
Nguồn bệnh thường là người mắc thể viêm tuyến nước bọt điển hình. Bệnh lan truyền theo đường hô hấp, qua các hạt nước bọt nhỏ li ti khi ho, hắt hơi bắn ra, truyền trực tiếp từ người bệnh sang người lành.
Miễn dịch sau khi mắc khá bền vững. Tỷ lệ tái phát hiếm gặp (dưới 2 -3%). Khoảng 80- 90% người lớn có huyết thanh dương tính với bệnh (do mắc thể ẩn từ nhỏ). Miễn dịch do mẹ truyền cho con chỉ tồn lưu 6 tháng.
 
          Các biểu hiện lâm sàng:
+ Viêm tuyến nước bọt mang tai: Là biểu hiện lâm sàng hay gặp nhất của bệnh Quai bị. Sau khi nhiễm vi rút Quai bị khoảng 14-21 ngày, người bệnh bị đau vùng trước lỗ tai sau đó lan ra quanh tai, nhiều khi đau làm khó há miệng, nói khó, kèm theo có sốt 380C- 390C hoặc cao hơn. Ngoài ra còn có các biểu hiện khác như nhức đầu, mệt mỏi, đau nhức xương khớp, ăn ngủ kém... Sau đó tuyến mang tai sưng to dần, đầu tiên sưng 1 bên, sau 1 đến 2 ngày sưng lan sang bên mang tai đối diện. Da ở vùng sưng căng bóng, không nóng, không tấy đỏ, ấn vào có cảm giác đàn hồi. Người bệnh có cảm giác đau toàn bộ tuyến mang tai chứ không đau một điểm rõ rệt nào. Khi thăm khám tuyến Stenon (ở phía trong má) thấy phù nề, đỏ tấy, nhưng không có mủ chảy ra. Sau một tuần, tuyến mang tai giảm sưng đau, người bệnh hết sốt, các biểu hiện khác cũng lui dần và khỏi hẳn.
+ Viêm tinh hoàn: Thường gặp ở tuổi dậy thì, chiếm 20- 30% các trường hợp quai bị ở người lớn. Biểu hiện này có khi xuất hiện đơn độc không kèm viêm tuyến mang tai. Bệnh xuất hiện sau khi sưng tuyến mang tai 1- 2 tuần. Bệnh nhân sốt cao trở lại, đôi khi rét run, nhức đầu và nôn, đồng thời thấy đau ở tinh hoàn sắp bị sưng, rồi tinh hoàn sưng to gấp 3- 4 lần bình thường, đau nhức, da bìu đỏ, đôi khi mào tinh cũng sưng to. Thường bệnh nhân chỉ sưng một bên tinh hoàn nhưng cũng có thể sưng hai bên. Sau khoảng 4-5 ngày bệnh nhân hết sốt nhưng tinh hoàn sưng lâu hơn, không hoá mủ. Sau chừng 2 tuần tinh hoàn mới hết sưng và phải sau 2 đến 6 tháng mới đánh giá được tinh hoàn có bị teo hay không. Nếu teo 1 bên tinh hoàn thì không có ảnh hưởng gì, nhưng nếu teo cả 2 bên thì có khả năng bị vô sinh.
+ Viêm buồng trứng: Thường gặp ở phụ nữ đã qua tuổi dậy thì, chiếm 2- 5% trường hợp quai bị. Biểu hiện thường gặp là sốt, đau và nổi cục di động 2 bên hố chậu, có thể bị rong huyết. Ít khi để lại biến chứng và di chứng, hiếm khi vô sinh.
+ Viêm tuỵ cấp: Gặp khoảng 3-7%, thường ở người lớn, phần lớn là thể ẩn, chỉ biểu hiện biến đổi sinh hoá qua xét nghiệm. Bệnh xảy ra vào tuần thứ hai (ngày thứ 4-10) khi viêm tuyến mang tai đã đỡ. Bệnh nhân sốt trở lại, đau thượng vị cấp ở điểm giữa đường nối từ mũi ức đến rốn. Nôn, đầy bụng, ỉa lỏng, chán ăn là những dấu hiệu hay gặp. Bệnh diễn biến lành tính, khỏi sau 1-2 tuần, hiếm để lại di chứng.
+ Viêm màng não: Gặp ở 10-20% các trường hợp, nhất là ở trẻ nhỏ, có thể xảy ra đơn độc hoặc sau khi viêm tuyến mang tai 3-10 ngày. Bệnh nhân có sốt cao, nhức đầu, nôn, rối loạn ý thức, co giật, thóp phồng, cổ cứng, dấu Kernig (+). Nếu xảy ra sau viêm tuyến mang tai thì dễ liên hệ đến căn nguyên do vi rút quai bị.
+ Viêm não: Hiếm xảy ra hơn so với viêm màng não (0,5 -1%), cũng có thể xảy ra đồng thời hoặc sau khi viêm tuyến mang tai khoảng 1-2 tuần. Bệnh nhân có biểu hiện tương tự như các viêm não do các vi rút khác với các biểu hiện như: sốt cao, nhức đầu, co giật, rối loạn hành vi tác phong, cấm khẩu, có thể liệt khu trú.
+ Bệnh quai bị ở phụ nữ có thai: Những phụ nữ có thai bị quai bị trong 3 tháng đầu của thai kỳ có thể gây sẩy thai  hoặc sinh con dị dạng, nếu trong 3 tháng cuối có thể sinh non hoặc thai chết lưu.
Bệnh có thể biểu hiện ở các cơ quan khác: viêm tuyến lệ, tuyến ức, tuyến giáp, tuyến vú, viêm cơ tim nhẹ, viêm thanh khí phế quản, viêm phổi, viêm đa khớp.
 
          Các biểu hiện về xét nghiệm
Số lượng bạch cầu bình thường, có thể tăng trong viêm tinh hoàn. Amylaze máu tăng trong viêm tuyến mang tai, viêm tuỵ, viêm não, viêm màng não do quai bị. Lipaze máu chỉ tăng trong viêm tuỵ.
Xét nghiệm đặc hiệu:
+ Phân lập vi rút trong các bệnh phẩm máu, dịch phết họng, dịch tiết lỗ ống Sténon, dịch não tuỷ, nước tiểu.
+ Miễn dịch huỳnh quang: kết quả sớm 3- 4 ngày phát hiện nhanh kháng nguyên vi rút trong tế bào họng - thanh quản.
+ Huyết thanh học: xác định trường hợp nhiễm cấp hoặc nghi nhiễm.
  • Thử nghiệm ELISA: tốt nhất, hoặc phương pháp miễn dịch huỳnh quang. Nhận diện đáp ứng kháng thể IgM, IgG đặc hiệu.
  • Phương pháp cố định bổ thể: đáp ứng kháng thể đối với kháng nguyên S, V, dùng chẩn đoán quai bị cấp, mới. Kháng thể đối với kháng nguyên S sớm nhất, cao nhất 1 tuần, biến mất sau 6- 12 tuần, hiệu giá kháng thể cách 2-3 tuần sau tăng ≥ 4 lần.
         
      Chuẩn đoán bệnh Quai bị: Dựa vào
          + Dịch tễ tại địa phương
          + Các biểu hiện lâm sàng
          + Xét nghiêm: Amylase, phân lập vi rút, huyết thanh chuẩn đoán.
 
   Phương pháp điều trị:
Cho đến nay chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Kháng sinh không có tác dụng. Chỉ điều trị theo cơ chế và triệu chứng.
Viêm tuyến nước bọt:
          - Cách ly bệnh nhân tối thiểu là 2 tuần. Bệnh nhân nên nằm yên tĩnh, hạn chế đi lại, nhất là đối với thanh niên và đang trong thời gian còn sốt, sưng tuyến nước bọt (4 - 6 ngày đầu).
          - Chườm nóng vùng hàm, nếu cần dùng thuốc an thần nhẹ, giảm đau (Aspirine hoặc Paracetamol). Thường xuyên súc miệng nước muối hoặc acid Boric 5% sau khi ăn. Ăn nhẹ và lỏng những ngày đầu khi đang sốt.
Viêm tinh hoàn:
          - Mặc quần lót chặt để treo tinh hoàn, chườm nóng.
          - Dùng thuốc giảm đau như Paracetamol.
          - Dùng Corticoid: Prenisolon 60 mg/ngày.(người lớn)
          - Các thuốc dùng từ 3-5 ngày thì dừng, chỉ có tác dụng chống viêm và giảm đau chứ không hạn chế được khả năng teo tinh hoàn. Khi cho các loại thuốc này phải chú ý đến các trường hợp không dùng được thuốc.
Viêm não - màng não:
          - Nếu bệnh nhân có biểu hiện tăng áp lực nội sọ nhiều (nhức đầu, nôn vọt) truyền dung dịch Manitol chống phù não.
          - Nằm nghỉ tuyệt đối
          - Dùng Corticoide (Methyl Prenisolon), glucose 5% pha dung dịch truyền tĩnh mạch.
          - Chú ý đến chế độ nuôi dưỡng và chăm sóc hộ lý cho bệnh nhân, tránh bị loét.
Viêm tuỵ:
          - Chườm nóng vùng thượng vị, ăn nhẹ và lỏng, dùng thuốc giảm đau nếu cần, chú ý loại trừ các bệnh cảnh phải can thiệp ngoại khoa.
 
          Phòng bệnh:
+ Cách ly bệnh nhân tại nhà trong ít nhất 2 tuần. Những người tiếp xúc bệnh nhân cần đeo khẩu trang.
+ Hiện nay hay sử dụng vaccin sống giảm độc lực, an toàn, không gây sốt, tạo kháng thể cao, bảo vệ 75 đến 95% trường hợp tiếp xúc, miễn dịch ít nhất 17 năm, không tương tác với vắc-xin sởi, bại liệt, thuỷ đậu nên được tiêm cùng lúc.
+ Các loại vaccine đang được sử dụng như vaccine Imovax hoặc phối hợp với vaccine sởi, Rubella (MMR).
+ Chỉ định: Người > 1 tuổi (mọi thời điểm), đặc biệt tuổi dậy thì, trưởng thành, thanh thiếu niên, cá nhân sống trong tập thể đông đúc.
+ Chống chỉ định: Trẻ em dưới 12 tháng tuổi, phụ nữ có thai, đang sốt, đang điều trị tia xạ, đang mắc bệnh Leucimia, Lymphoma…
 

0 nhận xét :

Đăng nhận xét

Design by Hao Tran -