Hiện nay bệnh quai bị xuất hiện rải rác ở một số nơi trong tỉnh. Bệnh lây lan chủ yếu qua đường hô hấp do nước bọt bị nhiễm trùng khi người bệnh nói chuyện, ho hoặc hắt hơi.
Nước bọt của người
bị bệnh quai bị có thể lây lan cho người khác 1 tuần trước khi sưng tuyến mang
tai và kéo dài 2 tuần sau khi thấy sưng tuyến mang tai. Thời gian lây mạnh nhất
vào khoảng 2 ngày trước khi viêm tuyến mang tai.
Đối tượng nào cũng có thể bị bệnh
quai bị, khả năng mắc bệnh ở nam cao hơn nữ. Tuy nhiên, ít gặp quai bị ở trẻ
dưới 2 tuổi mặc dù trẻ chỉ được bảo vệ trong 6 tháng đầu nếu mẹ đã từng mắc
bệnh quai bị. Sau 2 tuổi, tần suất bệnh tăng dần, đạt đỉnh cao ở lứa tuổi 10-19
và 80% bệnh xảy ra ở trẻ em dưới 15 tuổi, thường gặp nhất là trẻ từ 6-10 tuổi.
Người lớn cũng có thể bị mắc bệnh nếu không tiêm ngừa trước đó.
Biểu hiện của bệnh quai bị:
Tuyến mang tai có thể sưng 1 bên hay 2
bên. Nếu sưng cả 2 bên thì 2 tuyến có thể không sưng cùng lúc, tuyến 2 bắt đầu
sưng khi tuyến 1 đã giảm sưng. Vùng sưng thường lan đến má, dưới hàm, đẩy tai
lên trên và ra ngoài; có khi lan đến ngực gây phù trước xương ức.
Bệnh nhân có cảm giác đau ở vùng
tuyến bị sưng nhưng da trên vùng sưng không nóng và không sung huyết, ngược với
những trường hợp viêm tuyến mang tai do vi trùng. Thời gian biểu hiện bệnh lý
khoảng 10 ngày. Tuy nhiên, có khoảng 25% người bị nhiễm vi-rút quai bị mà không
có triệu chứng bệnh lý, đây là những đối tượng có khả năng truyền bệnh mà người
xung quanh không nhận biết.
Bệnh quai bị ở người lớn thường nặng
và có nhiều biến chứng hơn ở trẻ em. Có thể có các biến chứng sau: Viêm tinh
hoàn và mào tinh hoàn, nhồi máu phổi, viêm buồng trứng, viêm tụy, đau bụng
nhiều, ói, có khi tụt huyết áp, các tổn thương thần kinh như viêm não.
Bệnh quai bị ở phụ nữ có thai: Những
phụ nữ bị quai bị trong 3 tháng đầu của thai kỳ có thể gây sẩy thai hoặc sinh
con dị dạng. Bị quai bị trong 3 tháng cuối của thai kỳ có thể sinh non hoặc
thai chết lưu.
Một số biến chứng khác: Viêm cơ tim,
viêm tuyến giáp, viêm tuyến lệ, viêm thần kinh thị giác (gây giảm thị lực tạm
thời trong 10-20 ngày), viêm thanh khí phế quản, viêm phổi, rối loạn chức năng
gan, xuất huyết do giảm tiểu cầu.
Điều trị cho mọi bệnh nhân bao gồm:
Cách ly bệnh nhân 2 tuần kể từ lúc phát hiện bệnh, vệ sinh răng miệng, ăn những
thực phẩm dễ nuốt, giảm đau tại chỗ bằng cách đắp ấm vùng sưng, giảm đau toàn
thân và hạ sốt bằng Paracetamol.
Trường hợp viêm tinh hoàn: Mặc quần lót nâng
tinh hoàn để giảm đau. Dùng corticoid đúng liều, quan trọng nhất là dùng liều
lớn khi khởi đầu phải do bác sĩ chỉ định. Phẫu thuật giải áp khi tinh hoàn bị
chèn ép nhiều.
Phòng bệnh quai bị chủ động với
vắc-xin, thường kết hợp với phòng sởi và rubella. Không nên tiêm vắc-xin cho:
trẻ dưới 1 tuổi (nếu trẻ sống trong môi trường tập thể, có thể tiêm ngừa từ 9
tháng tuổi), phụ nữ có thai, người bị dị ứng với thuốc chủng, người đang dùng thuốc
gây giảm miễn dịch (corticoid, thuốc điều trị ung thư), người đang điều trị với
tia phóng xạ.
Số lần tiêm: Nếu bắt đầu tiêm từ 12 tháng tuổi: tiêm 2 lần (lần 1
lúc 12 tháng tuổi, lần 2 từ 4-12 tuổi). Nếu bắt đầu tiêm từ 9 tháng tuổi: tiêm
3 lần (lần 1 lúc 9 tháng tuổi, lần 2 sau lần 1 sáu tháng, lần 3 từ 4-12 tuổi).
Phòng bệnh quai bị thụ động với
globulin miễn dịch, dùng cho người tiếp xúc với vi-rút quai bị mà chưa được
tiêm vắc-xin trước đó
0 nhận xét :
Đăng nhận xét