Thứ Tư, 2 tháng 10, 2013

Biến chứng nguy hiểm của bệnh quai bị - Bệnh quai bị thường xuất hiện và tạo thành dịch vào mùa đông xuân, dưới đây là những kiến thức cơ bản bạn cần nắm để đề phòng.



Bệnh quai bị và những biến chứng
Đây là bệnh nhiễm virut cấp tính, virut quai bị là thành viên thuộc họ paramyxoviridae, giống như paramyxovirus, có tính kháng nguyên liên quan với các virut parainfluenza. Khi bị nhiễm virut, người bệnh sẽ bị sốt, sưng và đau một hoặc nhiều tuyến nước bọt, thường là tuyến nước bọt mang tai hoặc có khi là tuyến dưới lưỡi hay tuyến dưới hàm trên. Nguy hiểm nhất là viêm tinh hoàn, thường là một bên, xảy ra ở 20-30% ở nam giới trưởng thành. Đối với trẻ em, nếu có biến chứng viêm tinh hoàn mà không được phát hiện và điều trị tốt có thể gây ra vô sinh sau này. Còn ở phụ nữ thì biến chứng viêm buồng trứng gặp khoảng 5% ở nữ giới trưởng thành, vô sinh là hiếm gặp. Hệ thần kinh trung ương cũng có thể bị ảnh hưởng, thường là viêm màng não vô khuẩn và hầu như không để lại di chứng. Viêm não hiếm khi gặp (khoảng 1-2/10.000) trường hợp. Có thể xảy ra những trường hợp viêm tụy (4%) thường là thể nhẹ. Nhìn chung, tỷ lệ tử vong do quai bị gây ra xấp xỉ 1/10.000.
Trong một số ca bệnh, hệ thần kinh bị ảnh hưởng và viêm tinh hoàn xảy ra mà không có triệu chứng viêm tuyến nước bọt. Điếc vĩnh viễn thường xảy ra một bên tai nhưng cũng là biến chứng hiếm gặp. Ngoài ra còn gặp những biến chứng khác như viêm khớp, viêm vú, viêm thận, viêm tuyến giáp và viêm màng ngoài tim. Trong 3 tháng đầu của thời kỳ thai nghén, nếu bị quai bị có thể làm tăng tỷ lệ sảy thai nhưng chưa có bằng chứng nào xác đáng cho rằng quai bị trong thời kỳ thai nghén gây nên dị tật bẩm sinh.
Sự lây truyền và tính chất lưu hành của bệnh
Người là ổ chứa virut, bệnh lây truyền qua tiếp xúc với những giọt nước li ti của bệnh nhân. Chính vì vậy, khi tiếp xúc với người mắc bệnh, tỷ lệ lây nhiễm là rất cao. Thời kỳ ủ bệnh khoảng 12-25 ngày, thường là 18 ngày. Những người bị phơi nhiễm mà không tiêm vaccin có thể bị nhiễm bệnh từ ngày thứ 12-25 sau khi nhiễm virut. Tỷ lệ nhiễm cao nhất xảy ra vào khoảng 48 giờ trước khi khởi phát bệnh. Xét nghiệm nước tiểu có thể có dương tính kéo dài tới 14 ngày kể từ khi khởi phát. Nhiễm thể ẩn cũng là nguy cơ truyền bệnh cho người khác.
Khi đã mắc bệnh thì sẽ có được miễn dịch suốt đời. Bệnh quai bị ít gặp hơn các bệnh truyền nhiễm thông thường khác ở trẻ em như sởi, thủy đậu, nhưng những nghiên cứu huyết thanh học chỉ ra rằng 85% người có thể bị nhiễm quai bị đến tuổi trưởng thành nếu như không được tiêm vaccin phòng bệnh. Khoảng 1/3 số người cảm nhiễm có tiếp xúc bị nhiễm bệnh thể ẩn, hầu hết các trường hợp nhiễm bệnh dưới hai tuổi đều có biểu hiện cận lâm sàng.
Để xác định được virut gây bệnh, ngoài những biểu hiện lâm sàng, người ta sẽ tiến hành xét nghiệm huyết thanh học, đặc biệt là ở những người đã được tiêm vaccin quai bị. Virut còn được phân lập trên tế bào phôi gà hoặc trên nuôi cấy tế bào từ nước bọt.
Phòng bệnh như thế nào?
Đây là bệnh do virut gây ra nên không có điều trị đặc hiệu, các trường hợp mắc bệnh phải được nghỉ ngơi tại chỗ, ăn thức ăn mềm, dễ nuốt. Khi bị mắc bệnh phải cách ly đường hô hấp, bệnh nhân phải được cách ly trong khoảng 9 ngày kể từ khi có triệu chứng sưng ở mang tai. Trẻ em bị bệnh không được đến trường, vì như vậy sẽ là nguồn lây bệnh cho các trẻ khác. Người lớn mắc bệnh cũng cần được cách ly như trẻ nhỏ tại phòng riêng. Các đồ vật có liên quan đến chất tiết mũi, họng cần phải được diệt khuẩn tốt.
Để phòng bệnh, ngoài các biện pháp cách ly với người bệnh thì phương pháp tiêm phòng là tốt nhất. Hiện có thể sử dụng vaccin đơn hoặc vaccin tam liên (sởi – quai bị - rubella) viết tắt là vaccin MMR. Hơn 95% những người được tiêm chủng miễn dịch rất lâu, có thể suốt đời. Vaccin có thể tiêm bất kỳ lúc nào từ 12 tháng tuổi trở lên. Các bậc cha mẹ nên đưa trẻ đi tiêm chủng để có thể phòng bệnh tốt nhất cho con mình.

0 nhận xét :

Đăng nhận xét

Design by Hao Tran -